5D Mark III và Mark II đọ khử nhiễu

5D Mark III và Mark II đọ khử nhiễu

Với mức ISO thấp và trung, hai phiên bản là tương đương, sự khác biệt chỉ xuất hiện khi ISO ngày càng lên cao.
> 5D Mark III so khử nhiễu với D800

Ảnh chụp thử trong nhà. Tác giả Gordon Laing.
Ảnh chụp thử trong nhà. Tác giả Gordon Laing.

Để so sánh mức độ nhiễu trong điều kiện chụp thực tế, cả hai máy ảnh Canon EOS 5D Mark III và người tiền nhiệm Mark II đều được đặt ở cùng vị trí, chụp trong nhà, sử dụng ống Canon EF 24-105mm f4L IS USM với chế độ chống rung tắt, tiêu cự ở 40mm, độ mở f/8 ở chế độ ưu tiên độ mở, cùng sử dụng chế độ ảnh JPEG mức chất lượng cao nhất, chế độ Picture tiêu chuẩn, cân bằng trắng 3.300K. Các chế độ tiên tiến như Auto Lighting Optimiser hay High ISO Noise đều được tắt.

Do phiên bản Mark III ở dải mở rộng ISO 50 có thời gian phơi sáng 4 giây trong khi ở Mark II là 3,2 giây nên ở Mark II, khung cảnh sẽ được bù +0.3EV để chung về thời gian phơi sáng 4 giây như Mark III. Vì thế, cả hai phiên bản đều có các thông số thống nhất trên từng ISO với khởi đầu là phơi sáng 4 giây, độ mở f/8 và ISO 50. Mỗi lần ISO tăng gấp đôi, thì tốc độ lại giảm một nửa đúng như thông số, do đó việc so sánh giữa hai phiên bản trên từng mức ISO được gần như đồng nhất về thông số chụp trên toàn dải.

Cả hai phiên bản dù đều có mức ISO căn bản bắt đầu từ 100 nhưng đều cho phép mở rộng xuống ISO 50. Do độ phân giải của Mark III lớn hơn Mark II nên ở phần hình ảnh so sánh, ảnh của Mark III đã được cắt cúp một chút. Mặc dù vậy, khó có thể nhận biết được lợi thế của Mark III xét về độ chi tiết khi ở mức ISO thấp như vậy.

Sự khác biết rõ nét nhất giữa hai phiên bản trong dải ISO thấp là cách thức xử lý ảnh JPEG khác nhau dù cùng dựa trên chế độ xử lý mặc định. Với 3 năm rưỡi phát triển kể từ phiên bản Mark II, có thể thấy Canon đã dần cải tiến hệ thống xử lý độ sắc nét và tương phản mặc định để cho một bức ảnh trông đẹp mắt hơn, thể hiện rõ ở kết quả của Mark III. Trên thực tế, nếu lấy bức ảnh của Mark II và xử lý nét thêm hay lấy ảnh của Mark III làm giảm nét một chút, kết quả sẽ cho hai bức ảnh tương tự nhau. Tuy nhiên, Canon có vẻ chiều lòng những người vốn thích có ngay được một bức ảnh đã xử lý sẵn trên máy ảnh với chất lượng ưa nhìn dựa vào kết quả xử lý khá ấn tượng của Mark III.

Canon 5D Mark III Canon 5D Mark II

Cả hai phiên bản cao cấp này về cơ bản đều cho hình ảnh rất xuất sắc, gần như không có nhiễu trong dải ISO từ đến 200, với chỉ gần như một chút nhiễu màu rất nhỏ ở mức ISO 400. Ở mức ISO 800, các nhiễu này bắt đầu rõ rệt hơn, nhất là trên phiên bản Mark II, và vì thế hình ảnh trên phiên bản này trông cũng bắt đầu mờ nhẹ hơn. Tất nhiên, ảnh trên Mark II vẫn ở mức rất xuất sắc, chỉ là ở mức ISO này chất lượng ảnh trên hai phiên bản bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu khác biệt rõ ràng hơn.

Tại mức ISO 1600, ảnh trên Mark III cũng bị nhiều nhiễu hơn so với mức ISO 800 nhưng kết quả vẫn rất ấn tượng. Trong khi đó Mark II còn nhiều hơn nữa, ảnh cũng mờ hơn. Tại mức ISO 3200, mức nhiễu và mờ trên Mark II ngày càng rõ rệt và đã thể hiện rõ bước thụt lùi so với Mark III. Tại ISO 6400, nhiễu dày đặc trên Mark II trong khi vẫn được kiểm soát tốt trên Mark III. Ở các mức ISO 3200 và 6400, nhiễu trên Mark III tiếp tục được kiểm soát khá tốt, ảnh không chỉ trong hơn mà độ chi tiết cũng được duy trì tốt hơn nhiều so với "người anh em", kể cả nếu người dùng lấy ảnh của Mark II ở mức ISO này và xử lý tăng chi tiết bằng phần mềm.

Mức này cũng là mức cuối cùng của độ nhạy tiêu chuẩn trên bản Mark II, các độ nhạy cao hơn được chuyển vào chế độ độ nhạy mở rộng. Hai tùy chọn H1 và H2 trên Mark II khiến cho ảnh khá nhiễu và thực sự chỉ nên dùng trong những trường hợp khẩn cấp. Trong khi đó, Mark III thể hiện tính ưu việt hơn hẳn dù nhiễu cũng ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng hình ảnh ở mức ISO 25600. Rõ ràng, dù không hy vọng gì về độ trong của ảnh ở mức ISO này, nhưng cũng có thể thấy với ISO cao như vậy thì chất lượng ảnh trên Mark III rõ ràng đã có một bước tiến lớn so với Mark II.

Canon 5D Mark III

Với hai mức cuối cùng, ISO 51200 và 102400, rõ ràng, Mark II đã phải nhường sân chơi hoàn toàn cho "đàn anh" dù ở mức này kể cả Mark III cũng chỉ dùng trong trường hợp khẩn cấp chứ không mấy ảnh có thể sử dụng được với độ nhạy cao như vậy.

Kết luận.

Cả Mark III và Mark II cùng có chung chất lượng và độ chi tiết, độ kiểm soát nhiễu tốt ở dải ISO đến 400, và sự khác biệt chỉ bắt đầu thể hiện từ mức này trở lên với những khác biệt về độ sắc nét trong chế độ mặc định. Kể từ mức ISO 800, Mark III đã thể hiện phong độ đầu bảng về độ chi tiết, bão hòa và mức độ nhiễu so với người tiền nhiệm.

Vì thế, nếu hầu hết các ảnh bạn chụp ở mức ISO dưới 800, có thể nói ảnh trên Mark II cho chất lượng tương đương với Mark III ở dải ISO này. Nhưng với những người hay phải chụp ánh sáng yếu với mức ISO trên 800, hoặc có thể cao hơn như ISO 1600 tới 6400 thì Mark III sẽ là một lựa chọn hợp lý với chất lượng ảnh mịn và độ chi tiết cao.

Tất nhiên, sự so sánh này chỉ là chất lượng ảnh JPEG với các thông số mặc định máy ảnh tự xử lý. Trên thực tế, người dùng nếu chụp với ảnh RAW cộng với các kỹ thuật xử lý ảnh hậu kỳ vẫn có thể cải thiện thêm chất lượng ảnh ở các mức ISO cao.

Nguyễn Hà